Giám sát chặt hoạt động nhận chìm xuống biển 480.000m3 chất nạo vét

Thứ năm - 09/11/2023 20:45

     Hơn nửa tháng nay, từ khi CNV được nhận chìm, cùng với sự giám sát của cộng đồng, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh thực hiện chặt chẽ giám sát môi trường biển và các hoạt động liên quan đối với khu vực được cấp phép theo quy định của cơ quan có thẩm quyền…    

       
giam sat.jpg -0
 Cơ quan chuyên môn lấy mẫu quan trắc, giám sát môi trường biển tại khu vực nhận chìm chất nạo vét.

     Theo UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, CNV được nhận chìm là thuộc công trình xây dựng Đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 2. Khối lượng chất nhận chìm hơn 480.000m3, thành phần của CNV chủ yếu là bùn và cát bụi. Khu vực biển sử dụng nhận chìm có diện tích là 49ha. Thời hạn và thời điểm thực hiện hoạt động nhận chìm là 18 tháng, kể từ ngày được UBND tỉnh cấp giấy phép. Khu vực nhận chìm CNV thuộc vùng biển xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế) - nằm trong khu vực nhận chìm ngoài biển thuộc phạm vi quản lý tỉnh Thừa Thiên-Huế.

     Theo ghi nhận của PV Báo CAND, tại khu vực nhận chìm và vùng ngư trường gần đó, những ngày này, vẫn có nhiều ghe thuyền của ngư dân hoạt động đánh bắt hải sản. Ngư dân Trần Văn Đình cho biết, ngư dân đồng thuận việc chính quyền tỉnh cho phép nhận chìm CNV xuống biển và mong muốn, cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ để việc nhận chìm không ảnh hưởng đến môi trường biển.

     Ông Lê Công Minh, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh cho biết, toàn xã hiện có hơn 30% người dân làm nghề ngư nghiệp với trên 600 ghe, thuyền hoạt động đánh bắt hải sản trên biển. “Chính quyền và người dân mong muốn việc nhận chìm CNV phải đảm bảo về vấn đề bảo vệ môi trường, không ảnh hưởng đến việc đánh bắt thủy hải sản của người dân”, ông Lê Công Minh bày tỏ.

     Theo ông Lê Bá Phúc, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên-Huế, CNV được phép nhận chìm không chứa chất phóng xạ, chất độc, chất thải nguy hại vượt quá quy chuẩn an toàn bức xạ, quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Trung bình nhận chìm khoảng 7.879 m3/ngày, tối đa 14.400 m3/ngày; nhận chìm vật CNV theo hình thức xả đáy.

     Quá trình nhận chìm, đơn vị được cấp phép phải thực hiện nhận chìm đúng địa điểm, khối lượng, thành phần vật chất được phép nhận chìm, sử dụng đúng phương tiện chuyên chở, cách thức nhận chìm, thời điểm và thời hạn nhận chìm quy định; phải có các biện pháp phòng, chống các sự cố, bảo đảm an toàn lao động, an toàn hàng hải, bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện nhận chìm.

     “Trường hợp có các dấu hiệu không đảm bảo an toàn, nhận chìm không đúng vị trí hoặc không đúng thành phần của CNV hoặc khối lượng bị hao hụt trong quá trình vận chuyển vật chất nhận chìm hoặc một trong các thông số quan trắc, giám sát môi trường vượt giới hạn cho phép thì phải dừng ngay hoạt động nhận chìm và thực hiện ngay các biện pháp giảm thiểu tác động đến môi trường, khắc phục sự cố. Đồng thời báo cáo cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Lê Bá Phúc cho hay.

     Về việc vì sao không đổ CNV trên đất liền mà đổ xuống biển?, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh cho biết, quá trình khảo sát cho thấy, thời gian tới các khu vực bến cảng như: Chân Mây, Thuận An, Phong Điền… của Huế sẽ có nhu cầu nạo vét khá lớn, trong khi đó quỹ đất quy hoạch cho việc đổ thải vật chất nạo vét đã hết. “Do đó, không thể đổ thải, xử lý trên đất liền. Đồng thời, việc đổ thải, lưu giữ, xử lý trên đất liền không hiệu quả về kinh tế, tốn kém chi phi. Vì vậy, phương án nhận chìm vật chất là phương án tối ưu và khả thi nhất”, ông Lê Bá Phúc thông tin.

     Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt nhiệm vụ “Điều tra, đánh giá hiện trạng, xác định khu vực để nhận chìm chất nạo vét ngoài biển thuộc phạm vi quản lý tỉnh Thừa Thiên-Huế”. Trong quá trình thực hiện, Sở TN&MT tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến của Bộ Công an, Bộ GTVT, Bộ TN&MT cùng các Bộ liên quan; lấy ý kiến các Sở, ban, ngành, địa phương, cộng đồng dân cư liên quan và các chuyên gia, nhà khoa học; đồng thời, đăng tải lên trang Thông tin điện tử của Sở để tham vấn ý kiến các cơ quan, tổ chức và cộng đồng dân cư liên quan…

     Lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên – Huế khẳng định, nhằm đảm bảo việc đánh bắt cho ngư dân và không có các tác động tiêu cực đến môi trường và hệ sinh thái biển; các hoạt động nhận chìm CNV phải được giám sát chặt chẽ, thường xuyên. Sở TN&MT tỉnh tăng cường tần suất quan trắc chất lượng nước và khảo sát điều tra các hệ sinh thái biển.

     Bên cạnh đó, đánh giá tác động môi trường cũng được tiến hành trước khi bắt đầu các hoạt động nhận chìm để đánh giá các tác động có thể xảy ra đối với môi trường, sinh kế, và các hoạt động kinh tế khác, từ đó đưa ra các biện pháp phòng ngừa. Cùng với đó, vai trò giám sát của cộng đồng dân cư trong việc nhận chìm CNV ngoài biển theo Luật Bảo vệ môi trường là rất quan trọng.

Tác giả: Hải Lan

Nguồn tin: cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây